Ngày 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký ban hành Quyết định 1814/QĐ-UBND công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tình huống: Mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng.
Theo báo Tiền phong, do chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão số 3, nên từ đêm mùng 7 đến 10/9 trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to và dông. Thiên tai ảnh hưởng đến toàn bộ 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn, làm chết 22 người; bị thương 10 người và 6 người mất tích.
Mưa lũ cũng khiến 13.558 ngôi nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại; 4.017 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại; nhiều vị trí trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã bị sạt lở; nhiều địa phương bị ngập úng chia cắt xã, phường… Ước tính thiệt hại sơ bộ ban đầu khoảng 100 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, Đài khí tượng thuỷ văn Yên Bái, trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch và biện pháp phù hợp ứng phó nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục rà soát các hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét , ngập lụt để có phương án di chuyển kịp thời.
Cùng với đó, chỉ đạo quyết liệt phương án sơ tán, di chuyển những hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ trượt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn.
Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết , kịp thời phát tin dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và truyền thông, Báo Yên bái, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để thông tin kịp thời phục vụ công tác ứng phó của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, cấp huyện, cấp xã và người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng giao các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan cần rà soát phương án đảm bảo an toàn hồ đập, phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất… để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống mưa lũ; bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố sẵn sàng tổ chức sơ tán, di chuyển người dân đang sinh sống tại các khu vực nguy hiểm , khu vực có nguy cơ trượt sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt đến nơi an toàn; kịp thời thông tin trước khi xả lũ cho các cơ quan và chính quyền các địa phương vùng hạ du.
Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo giao thông trong mọi tình huống; bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa, lũ. Sơ tán dân, cứu hộ cứu nạn và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương theo quy định; xây dựng kế hoạch tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ, quyên góp từ các cá nhân, tổ chức để gửi đến người dân vùng thiên tai. Tổ chức thực hiện tốt phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai…